Ngắm nhìn con lớn từng ngày là một điều vô cùng hạnh phúc của cha mẹ, nhưng bên cạnh đó các bậc cha mẹ không thể tránh khỏi những lúc bực bội hay bất lực, đặc biệt là thời điểm con bước vào tuổi lên 3. Vậy “ Khủng hoảng tuổi lên 3” là gì? Biểu hiện của con trẻ khi vào giai đoạn này như thế nào? Đối mặt với điều đó ra sao?
1. Khủng hoảng tuổi lên 3 là gì ?
Khủng hoảng tuổi lên 3 là một hiện tượng tự nhiên trong quá trình phát triển tâm lý của trẻ. Giai đoạn này đặc trưng bởi sự thay đổi mạnh mẽ và bất ngờ trong nhân cách và nội tâm của đứa trẻ trong thời gian ngắn.
Xét về bản chất, khủng hoảng tuổi lên 3 thường đến từ 2 nguyên nhân chủ yếu đó là:
- Sự mâu thuẫn giữa nhu cầu của trẻ với năng lực thực tế trẻ có: Ở giai đoạn này, trẻ muốn “khám phá thế giới” bằng chính cặp mắt và đôi tay của mình, thậm chí trẻ muốn chinh phục cả những thứ nằm ngoài khả năng vốn có của mình. Đôi khi, lối diễn đạt không bắt kịp được suy nghĩ của trẻ cũng khiến trẻ “khủng hoảng” với chính bản thân, từ đó trẻ cảm thấy khó chịu, dễ khóc, dễ bỏ cuộc….
- Ba mẹ và trẻ không tìm được tiếng nói chung: Cùng với khả năng vận động, trẻ đã bắt đầu hình thành ý thức về bản thân. Trẻ nhận ra mình là một cá thể riêng biệt với mọi người và muốn độc lập làm những việc liên quan đến bản thân, tuy nhiên, ba mẹ thì vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để “buông tay” trẻ. Chính điều này đã dẫn đến những phản ứng gay gắt từ trẻ như bướng bỉnh, không nghe lời, cãi lời ba mẹ…
2. Khủng hoảng tuổi lên 3 kéo dài bao lâu ?
Các nhà tâm lý học sử dụng cụm từ “khủng hoảng tuổi lên 3” để chỉ giai đoạn từ khoảng 3 đến 4 tuổi với các biểu hiện về tâm lý như: bướng bỉnh, dễ cáu gắt, hay khóc mè nheo, thích sở hữu hoặc làm trái ý người khác,…
3. Biểu hiện của khủng hoảng tuổi lên 3 ở trẻ em
Ở giai đoạn này, đa phần các bé đều thể hiện tính bướng bỉnh ngang ngạnh, khó dạy bảo, thất thường và tự tiện. Một số biểu hiện phổ biến của khủng hoảng tuổi lên 3 gồm:
3.1 Phản ứng tiêu cực
Tuổi lên 3, trẻ không thích nghe theo yêu cầu của người lớn. Tuy nhiên, không chỉ đơn thuần là từ chối làm theo chỉ bảo của người lớn, phản ứng tiêu cực là thái độ trẻ thể hiện trong suốt mối quan hệ của trẻ với người lớn (bảo vệ ý kiến bất chấp đúng sai, lờ đi tất cả lời nói từ ba mẹ) – thể hiện rõ tính ngoan cố và ngang ngạnh.
3.2 Muốn tự làm mọi việc
Trẻ thể hiện thái độ muốn thoát khỏi sự bảo bọc của người lớn và muốn tự làm mọi việt, thậm chí là những việc ngoài khả năng của mình.
3.3 Muốn có quyền
Trẻ muốn thể hiện sự “thống trị” lên những đồ vật hoặc các mối quan hệ. Bạn có thể nhận thấy trẻ thường sử dụng các từ như “của con”, “cho con hết”… Khi đi đâu, trẻ cũng điều tranh đi trước, ăn trước, uống trước…
3.4 Cãi lời người lớn
Trẻ luôn trong trạng thái “phòng thủ”, dễ kích động. Thường xuyên cãi lời người lớn bằng những hành động hoặc lời nói. Thậm chí trẻ còn nói những câu vô lễ mà trẻ vô tình học với người lớn như “ba dỡ”, “mẹ dỡ”…. Sự phản ứng gay gắt của người lớn chính là niềm vui để trẻ tiếp tục hành vi này.
3.5 Ngang ngược một cách vô lý
Trẻ có thể đòi cho bằng được bất cứ thứ gì. Khăng khăng đòi một cái gì đó không phải vì yêu thích nó, mà là trẻ đã quen được người lớn đáp ứng mọi yêu cầu…
3. Biện pháp khắc phục khủng hoảng tuổi lên 3
Mặc dù có thể ba mẹ sẽ bất ngờ và mệt mỏi trước những sự thay đổi của con nhưng đừng quá lo lắng, hãy cùng con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 bằng các cách sau đây:
3.1 Hạn chế la hét
La hét là một trong những hành động mà rất nhiều ba mẹ đã áp dụng khi trẻ không nghe lời. Tuy nhiên, hành động này lại gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ. Do đó, thay vì la rầy con lớn tiếng, bạn hãy cố gắng kiềm chế và tìm ra những hình thức cảnh cáo nhẹ nhàng hơn.
3.2 Học cách lắng nghe
Trẻ sẽ rất vui khi biết được người lớn đang lắng nghe những gì bé đang cố gắng bày tỏ.
Nếu con tỏ vẻ khó chịu khi không được mua món đồ chơi yêu thích, hãy nói với con một điều gì đó, ví dụ như: “Mẹ biết con thích món đồ chơi đó, nhưng cửa hàng nói tuần sau sẽ đem về rất nhiều đồ chơi đẹp, lần sau chúng ta sẽ quay trở lại nhé”. Có thể điều này không thể thỏa mãn sự thôi thúc của trẻ về món đồ chơi nhưng sẽ giúp làm giảm cảm giác tức giận và khó chịu của trẻ.
3.3 Gợi ý lựa chọn
Trẻ lên 3 đã hiểu được rằng, ba mẹ rất yêu thương mình và chỉ cần mình khóc một chút là sẽ có tất cả mọi thứ. Lúc này, bạn cần đưa ra giải pháp cứng rắn để trẻ không hình thành thói quen khóc lóc ăn vạ.
Nếu bé tỏ ý muốn chơi đồ chơi, bạn hãy cho con sự lựa chọn nhưng với giới hạn từ 2 – 3 món. Kiên quyết nói không dù trẻ tỏ ra muốn được đưa thêm.
3.4 Giải thích
Phần lớn các bé lên 3 thường không hiểu được vì sao mình lại phải ngừng làm những hành động mà bản thân cảm thấy vui, chẳng hạn như cắn, đánh hoặc lấy đồ chơi của bạn.
Do đó, nếu thấy trẻ có những hành động này bạn nên giải thích cho con về sự đồng cảm, chẳng hạn” “Nếu con lấy đồ chơi của bạn khác, bạn sẽ rất buồn”. Biện pháp này sẽ giúp bé hiểu hành vi của mình sẽ làm ảnh hưởng đến người khác và không hề tốt chút nào.
3.5 Áp dụng time-out
Time-out là hình thức phạt khá phổ biến mà không cần đến việc phải la hét trẻ nhỏ. Khi bé không ngoan, bạn hãy bế con đến một khu vực yên tĩnh và an toàn trong nhà, để bé ở đó trong vòng 5 – 15 phút, dẫu cho bé có la hét thế nào đi chăng nữa. Nói với bé, ba mẹ chỉ cho phép bé quay lại chơi khi trẻ chịu kiềm chế và nghe lời người lớn.
3.6 Tìm hiểu
Hãy tìm hiểu và thử tất cả các cách phạt không đánh đòn nhưng mang lại hiệu quả trong việc giúp trẻ bớt bướng bỉnh.
3.7 Quan tâm đến bé
Khủng hoảng tuổi lên 3 khiến trẻ làm mọi cách để thu hút sự chú ý từ người lớn, bạn có thể nhận biết điều này qua việc con hay giành lấy điện thoại khi bạn đang nói chuyện hoặc chen vào giữa bạn và máy tính khi bạn đang làm việc.
Do đó, nếu thấy con tỏ ra muốn được quan tâm, hãy tạm dừng việc đang làm trong chốc lát để ôm con và hỏi xem trẻ có cần uống nước hoặc ăn gì không.
3.8 Ôm con nhiều hơn
Ở giai đoạn này, trẻ rất cần những cử chỉ yêu thương từ người lớn. Hãy luôn sẵn sàng dành cho trẻ những vòng tay âu yếm, ôm chặt con và nói “ba/mẹ thương con” dẫu lúc ấy bé chưa hẳn ngoan ngoãn.
3.9 Dạy con nghe lời
Tình trạng khủng hoảng tuổi lên 3 sẽ thôi thúc nhu cầu chứng tỏ bản thân của bé, khiến trẻ thường có xu hướng làm trái lời bố mẹ. Để con nghe lời, bạn có thể dạy con bằng cách làm bé cảm thấy tự hào vui vẻ khi nhận được lời khen từ mọi người xung quanh.
Để tập luyện điều này, bạn hãy thử bắt đầu yêu cầu trẻ thực hiện những hành động đơn giản đi kèm với tín hiệu, ví dụ bạn có thể nói “bé ngoan hãy vỗ tay 3 cái nào”. Sau đó, bạn dần chuyển sang những việc làm phức tạp hơn như nói bé cất đồ chơi.
3.10 Làm gương cho con
Sẽ có lúc bạn vô cùng tức giận vì sự ngang bướng của trẻ, nhưng dù thế nào thì bạn hãy cố gắng giữ bình tĩnh nhé. Ở tuổi lên 3, bé thường quan sát và lặp lại mọi thứ mà ba mẹ thực hiện hoặc nói. Do đó, hãy cố gắng trở thành hình mẫu tốt đẹp để trẻ học hỏi và làm theo.
Khủng hoảng tuổi lên 3 cõ lẽ sẽ là một cột mốc phát triển đáng sợ với nhiều người, nhưng dù thế nào thì bản năng làm ba mẹ vẫn sẽ đủ sức để bạn “lèo lái” qua thời điểm này. Điều quan trọng là bạn cần có sự kiên nhẫn chịu đựng, không được mềm lòng trước những đòi hỏi vô lý của trẻ. Các cô giáo tại FairySchool sẽ luôn đồng hành cùng bố mẹ để giúp các con vượt qua giai đoạn này – giai đoạn khó khăn nhưng cũng vô cùng thú vị.